✅ Tiêu chuẩn C-TPAT – Chương trình an ninh phối hợp tự nguyện giữa khu vực công và tư để xây dựng an ninh chuỗi cung ứng và biên giới. C-TPAT là tiêu chuẩn an ninh được chính phủ và các nhà kinh doanh Mỹ đề xuất
Trong xu thế hội nhập toàn cầu hiện nay, giao dịch thương mại quốc tế ngày càng trở nên phổ biến và mang lại nhiều lợi ích cho các công ty, doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực trên khắp các quốc gia và vùng lãnh thổ. Cùng với sự biến đổi của quá trình phân công lao động trên thế giới và sự phát triển đa dạng của các hình thức vận tải (đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không), hoạt động giao dịch thương mại quốc tế cũng phức tạp và nảy sinh nhiều vấn đề hơn.
Thực trạng này đặt ra bài toán nếu không có một cơ chế quản lý và kiểm soát tối ưu thì rất dễ nảy sinh ra các rủi ro trong chuỗi cung ứng của doanh nghiệp, nguy hiểm hơn là gây mất an ninh cho chuỗi cung ứng trên quy mô toàn cầu. Thấu hiểu những nguy cơ tiềm ẩn trong chu trình luân chuyển hàng hóa quốc tế, tiêu chuẩn C-TPAT ra đời hướng tới mục tiêu kép vừa đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng toàn cầu vừa xây dựng an ninh biên giới Hoa Kỳ vững chắc để tạo điều kiện thuận lợi cho sự tăng trưởng của thương mại quốc tế.
Mục lục
BỘ TIÊU CHUẨN C-TPAT LÀ GÌ ?
C-TPAT là viết tắt của cụm từ Customs-Trade Partnership Against Terrorism – Chương trình an ninh phối hợp tự nguyện giữa khu vực công và tư để xây dựng an ninh chuỗi cung ứng và biên giới. C-TPAT là tiêu chuẩn an ninh được chính phủ và các nhà kinh doanh Mỹ đề xuất ra nhằm thiết lập mối quan hệ hợp tác giúp tăng cường và cải thiện an ninh chuỗi cung ứng quốc tế nói chung và an ninh biên giới Mỹ nói riêng. Thông qua sáng kiến này, Cục Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ (CBP – Custom Border Protection) yêu cầu các doanh nghiệp đảm bảo thực hiện toàn bộ các yêu cầu thực hành bảo mật trong hoạt động và giao tiếp, đồng thời xác minh những nguyên tắc bảo mật từ các đối tác kinh doanh của mình trong chuỗi cung ứng..
SỰ RA ĐỜI CỦA TIÊU CHUẨN C-TPAT
Ngày 11/9/2001, vụ tấn công khủng bố kinh hoàng nhằm vào hai biểu tượng sức mạnh của nước Mỹ là Trung tâm Thương mại Thế giới và Lầu Năm Góc đã cướp đi tính mạng của khoảng 3000 người, hơn 6000 người bị thương và khiến nước Mỹ tổn thất hàng nghìn tỷ USD. Sự kiện này không chỉ làm chao đảo nước Mỹ và toàn thế giới lúc bấy giờ mà còn gióng lên hồi chuông báo động về vấn đề an ninh trong khu vực và trên thế giới.
Nhằm ngăn chặn các sự việc tương tự có thể tiếp diễn trong tương lai, Mỹ đã đề xuất nhiều biện pháp nhằm thay đổi và củng cố diện mạo an ninh cho quốc gia mình và thế giới. An ninh biên giới Mỹ được thắt chặt ngay lập tức và Hải quan Hoa Kỳ đã có nhiều cuộc đối thoại với các khu vực tư nhân để thảo luận giải pháp đảm bảo an ninh thương mại và tạo điều kiện cho thương mại quốc tế phát triển. C-TPAT ra đời như một sáng kiến của chính phủ và các doanh nghiệp Mỹ được triển khai vào tháng 11/2001 nhằm bảo mật an ninh chuỗi cung ứng và bảo vệ biên giới Hoa Kỳ.
TÍNH CẤP THIẾT CỦA TIÊU CHUẨN C-TPAT VỚI AN NINH CHUỖI CUNG ỨNG
Hàng năm có khoảng hơn 20 triệu phương tiện vận chuyển hàng hóa đến Hoa Kỳ qua đường biên giới, đường sắt, đường biển và đường hàng không. Số lượng phương tiện và hàng hóa lớn, đa dạng về cách thức vận chuyển lại cộng thêm các nguy cơ có thể xuất phát từ phía nhân lực như: nhân viên, nhà thầu không trung thực, sự trà trộn, đột nhập của các nhóm tội phạm, khủng bố dễ dàng tạo ra lỗ hổng cho các hoạt động thương mại bất hợp pháp diễn ra.
Thực tế cho thấy sau sự kiện tấn công ngày 11/9/2001, các tổ chức khủng bố đã thực hiện nhiều cuộc xâm nhập vào chuỗi cung ứng thương mại, đặc biệt là nhắm vào các công ty hậu cần trung chuyển hàng hóa. Bởi vậy mà việc hình thành một rào chắn vững chắc như C-TPAT để hàng hóa giảm thiểu tiếp xúc với các mối đe dọa và bảo vệ chuỗi cung ứng một cách an toàn là điều vô cùng cấp thiết.
Ban đầu có 7 công ty thương mại lớn ký kết thực hiện C-TPAT với Hải quan Hoa Kỳ. Tới nay, số lượng này đã lên tới hơn 11.400 thành viên, chiếm 52% giá trị hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ. Không dừng lại ở đó, C-TPAT tiếp tục hướng tới mục tiêu nhân rộng C-TPAT ra toàn thế giới, đưa 100% hàng hóa giao thương trên lãnh thổ Mỹ tham gia vào chương trình này trong thời gian tới. Điều này không chỉ chứng tỏ sức hút của chương trình kiểm soát và bảo vệ biên giới đối với cộng đồng thương mại quốc tế mà còn là lời khẳng định việc sở hữu một chứng nhận C-TPAT là cần thiết cho bất kỳ công ty nào đủ điều kiện mà muốn ở lại cạnh tranh tại một trong những thị trường hàng đầu và khó tính nhất thế giới này.
LỢI ÍCH CỦA TIÊU CHUẨN C-TPAT VỚI DOANH NGHIỆP
- Xác định tốt hơn các lỗ hổng bảo mật trong nội bộ và có những biện pháp khắc phục để giảm thiểu rủi ro.
- Hướng tới sở hữu một chuỗi cung ứng an toàn, mở rộng cơ hội kinh doanh, nâng cao giá trị thương hiệu.
- Ngăn ngừa tình trạng thất thoát hàng hóa, lừa đảo, hàng giả, buôn lậu, đánh cắp thông tin, gây thiệt hại kinh tế và làm suy giảm danh tiếng công ty, tránh được những vụ kiện tụng tốn kém.
- Những công ty tham gia C-TPAT sẽ có khả năng cạnh tranh cao hơn và đàm phán được các điều khoản hợp đồng có lợi hơn những công ty không phải là thành viên của C-TPAT.
- Thúc đẩy gia tăng lợi nhuận và mở rộng quy mô công ty (Theo kết quả khảo sát 3901 thành viên thuộc C-TPAT năm 2010 của Trung tâm nghiên cứu Khảo sát Virginia: Lợi nhuận ròng tăng tỷ lệ thuận với số năm tham gia trong C-TPAT, dao động từ 30,2% đối với các công ty được chứng nhận trong thời gian chưa đến 1 năm lên 47,7% đối với các công ty được chứng nhận trong hơn 5 năm. Có sự gia tăng tương tự liên quan đến quy mô công ty, từ 36,5% với các công ty tham gia C-TPAT có doanh thu hàng năm ít hơn 10 triệu USD lên đến 55,7% với các công ty tham gia C-TPAT với doanh thu hàng năm hơn 10 tỷ USD).
- Giảm gián đoạn trong chuỗi cung ứng.
- Giảm thời gian chờ đợi cho các phương tiện vận tải tại cửa khẩu biên giới trên bộ. (Thực tế cho thấy thành viên C-TPAT trải qua kiểm tra Hải quan ít hơn 5 ngày những công ty không tham gia C-TPAT ngày cả khi tỷ lệ kiểm tra chung tăng trong những năm gần đây).
- Tăng khả năng dự báo trong việc di chuyển hàng hóa.
- Tiếp cận các làn đường Thương mại Tự do và An toàn ở biên giới đất liền.
- Được quyền truy cập vào hệ thống Cổng thông tin dựa trên web CTPAT và thư viện tài liệu đào tạo.
- Khả năng được hưởng các lợi ích bổ sung khi được các cơ quan Hải quan nước ngoài đã ký Công nhận lẫn nhau với Hoa Kỳ công nhận là Đối tác thương mại đáng tin cậy.
- Đủ điều kiện tham gia các chương trình thí điểm khác của Chính phủ Hoa Kỳ, chẳng hạn như chương trình Chuỗi cung ứng an toàn của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm.
- Ưu tiên phục hồi kinh doanh sau thảm họa thiên nhiên hoặc tấn công khủng bố.
- Nhà nhập khẩu đủ tư cách tham gia vào Chương trình tự đánh giá nhà nhập khẩu (ISA).
- Ưu tiên xem xét tại các Trung tâm Chuyên môn và Xuất sắc tập trung vào ngành của CBP.
ĐỐI TƯỢNG CỦA C-TPAT
- Nhà cung cấp phụ tùng và nguyên vật liệu
- Nhà sản xuất
- Nhà cung cấp sản phẩm
- Nhà thầu
- Nhà vận chuyển
- Hãng vận tải (đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không)
- Nhà nhập khẩu
- Nhà môi giới hải quan được cấp phép và sản xuất
- Các đơn vị gom hàng
NỘI DUNG CHÍNH CỦA CHƯƠNG TRÌNH C-TPAT
Yêu cầu đối tác kinh doanh:
- Các thủ tục an ninh: Có các tài liệu cho biết thương hiệu đã được chứng nhận C-TPAT hay chưa. Những đối tác không đủ điều kiện đánh giá C-TPAT phải được xác minh tuân thủ các tiêu chí an ninh C-TPAT của nhà sản xuất nước ngoài.
- Điểm xuất xứ: Các quá trình và quy trình của lô hàng tại điểm xuất xứ, lắp ráp, sản xuất phải phù hợp với tiêu chí an ninh C-TPAT.
- Cho biết tình trạng tham gia/ chứng nhận trong chương trình an ninh chuỗi cung ứng do Cục hải quan nước ngoài quản lý.
An ninh Container và Trailer:
- Kiểm tra Container: Vách phía trước, bên trái-phải, sàn, trần/nóc, cửa bên trong/ngoài, bên ngoài/khung để Container.
- Kiểm tra Trailer: Khu vực bánh xe thứ 5-kiểm tra ngăn/tấm trượt tự nhiên, bên ngoài-phía trước/hai bên, phía sau-cản/cửa, vách phía trước, bên trái-phải, sàn, trần, bên trong/ngoài của cửa, bên ngoài/khung để.
- Niêm chì Container và Trailer: phải đáp ứng hoặc vượt tiêu chuẩn PAS ISO 17712 đối với niêm chì an ninh cao.
- Lưu giữ Container và Trailer: tại khu vực an toàn để ngăn chặn sự xâm nhập hoặc các hành động trái phép.
Kiểm soát truy cập vật lý:
- Nhân viên: Có hệ thống nhận dạng nhân viên; Xác định khu vực an toàn mà nhân viên được quyền truy cập, Quy trình cấp phát, thu hồi và thay đổi thiết bị truy cập phải được tài liệu hóa.
- Khách thăm: Phải xuất trình giấy tờ tùy thân có ảnh, phải được hộ tống và hiển thị nhận dạng tạm thời rõ rang.
- Giao hàng (bao gồm thư tín): Phải xuất trình ID phù hợp của nhà cung cấp hoặc giấy tờ, tài liệu nhận dạng có ảnh; Bưu phẩm và thư tín phải được sàng lọc định kỳ trước khi phân phát.
- Kiểm soát và loại bỏ những đối tượng không được phép ra vào.
An ninh nhân sự:
- Trước khi tuyển dụng: Xác minh sơ yếu lý lịch, lịch sử làm việc của nhân sự.
- Sau khi nhân sự được tuyển dụng: Nếu có nguyên nhân hoặc độ nhạy cảm của vị trí làm việc cao thì doanh nghiệp cần kiểm tra định kỳ và điều tra lại lý lịch khi cần thiết.
- Khi nhân sự nghỉ việc: Phải có quy trình xóa nhận dạng, phương tiện và quyền truy cập hệ thống.
An ninh thủ tục:
- Xử lý tài liệu: Bảo mật và chuẩn bị đầy đủ, chính xác các thông tin sử dụng trong việc thông quan hàng hóa.
- Thủ tục lược khai hàng hóa: Đảm bảo các thông tin nhận được từ đối tác kinh doanh kịp thời và chính xác.
- Giao hàng và nhận hàng: Đối chiếu hàng khởi hành và vận chuyển với thông tin trên bảng kê khai hàng hóa, đơn đặt hàng, đơn giao hàng xem có chính xác, đúng và đủ về trọng lượng, nhãn, ký hiệu, số lượng hay không. Người giao hàng và nhận hàng phải được nhận dạng khi tiếp nhận hàng hóa. Có các thủ tục để theo dõi sự di chuyển của hàng hóa đến và đi.
An ninh vật lý:
- Hàng rào: Sử dụng hàng rào để bao quanh cơ sở xử lý và lưu trữ hàng hóa, phân tách hàng hóa trong nước, quốc tế, hàng giá trị cao và hàng nguy hiểm. Kiểm tra thường xuyên để đảm bảo hàng rào không bị hỏng hóc.
- Quản lý và giám sát cổng và cửa vào các tòa nhà.
- Không đỗ xe trong hoặc liền kề với khu vực xử lý và lưu trữ hàng hóa.
- Cấu trúc tòa nhà: vật liệu xây dựng đảm bảo chất lượng, phải kiểm tra và tu sửa kiến trúc định kỳ.
- Kiểm soát thiết bị khóa và chìa khóa của các cửa, cổng, hàng rào,…
- Đảm bảo cung cấp ánh sáng đầy đủ trong và ngoài cơ sở.
- Lắp đặt hệ thống báo động và camera giám sát ghi hình tại cơ sở.
An ninh công nghệ thông tin:
- Sử dụng mật khẩu riêng và thay đổi mật khẩu định kỳ với các tài khoản được chỉ định.
- Có hệ thống để xác định các truy cập giả mạo hoặc không đúng cách, thay đổi dữ liệu.
- Đào tạo an ninh và nhận thức cho nhân viên vận chuyển và nhận hàng, nhân viên nhận thư và mở thư về mối đe dọa từ những kẻ khủng bố và buôn lậu.
QUY TRÌNH CHỨNG NHẬN C-TPAT:
- Đảm bảo tiêu chí bảo mật tối thiểu C-TPAT cho pháp nhân kinh doanh của công ty đủ điều kiện tham gia chương trình.
- Nộp hồ sơ cơ bản qua hệ thống Cổng thông tin C-TPAT và xác nhận tham gia tự nguyện.
- Hoàn thành hồ sơ bảo mật chuỗi cung ứng bằng cách tiến hành đánh giá rủi ro, trình bày rõ cách công ty đáp ứng các tiêu chí bảo mật tối thiểu của C-TPAT.
- Nộp đơn được chỉ định Chuyên gia bảo mật chuỗi cung ứng C-TPAT để xem xét các tài liệu đã nộp cung cấp hướng dẫn chương trình
- Chương trình C-TPAT có tối đa 90 ngày để chứng nhận công ty tham gia chương trình hoặc từ chối đơn đăng ký của công ty. Nếu được chứng nhận, công ty sẽ được xác nhận trong vòng 1 năm.
Để được chứng nhận C-TPAT xin liên hệ thuvientieuchuan.org theo số 0948.690.698