Mục lục
VIETGAP LÀ GÌ?
VietGAP là viết tắt của Vietnamese Good Agricultural Practices có nghĩa là thực hành sản xuất nông nghiệp tốt tại Việt Nam. Đây là tên của một tiêu chuẩn tự nguyện do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành vào ngày 28/01/2018. Bộ tiêu chuẩn này bao gồm các trình tự, thủ tục, yêu cầu dành cho các đơn vị sản xuất, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. VietGAP hướng tới mục đích bảo vệ môi trường và truy xuất nguồn gốc sản xuất để từ đó đảm bảo an toàn, chất lượng sản phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội cũng như đảm bảo sức khỏe cho cả người sản xuất và người tiêu dùng.
ĐỐI TƯỢNG CỦA TIÊU CHUẨN VIETGAP LÀ GÌ?
Các sản phẩm có thể áp dụng tiêu chuẩn VietGAP chia làm 3 nhóm chính:
- Sản phẩm trồng trọt:
1.1. Các loại quả:
- Quả cỡ rất lớn – lớn hơn 500g: mít, sầu riêng, dưa hấu. dưa gang,…
- Quả cỡ lớn – lớn hơn 250g đến 500g: thanh long, bưởi, dưa lê,…
- Quả cỡ trung bình – lớn hơn 100g đến 250g: cam, quýt, táo, xoài, ổi, dưa chuột,…
- Quả cỡ nhỏ – lớn hơn 25g đến 100g: bơ, măng cụt,…
- Quả cỡ rất nhỏ – nhỏ hơn 25g: dâu tây,…
- Quả dạng chùm: vải, nhãn, nho, chôm chôm,…
- Quả dạng nải: chuối
1.2. Các loại rau
- Rau ăn lá: bắp cải, rau cần, mồng tơi, rau muống, các loại rau cải,…
- Rau ăn quả: bầu, bí, mướp, đậu, su su, cà chua, ớt,…
- Rau ăn thân: hành, xả, su hào, …
- Rau ăn hoa: súp lơ, hoa thiên lý, atiso,…
- Rau ăn củ: củ cải, cà rốt, củ đậu, khoai,…
- Rau gia vị: tía tô, thì là, rau mùi, rau răm,…
- Rau loại khác: gừng, mấm, quế, hồi, thảo dược,…
1.3. Lúa
1.4. Café
1.5. Chè
- Sản phẩm chăn nuôi: gà, bò sữa, dê sữa, lợn, ong,…
- Sản phẩm thủy sản: tôm, cá,…
LỢI ÍCH CỦA TIÊU CHUẨN VIETGAP LÀ GÌ?
Tiêu chuẩn VietGAP cần thiết cho bất cứ doanh nghiệp nào hoạt động trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản bởi những lọi ích sau đây:
- Chứng nhận VietGAP là bằng chứng chứng minh sản phẩm đảm bảo về chất lượng và an toàn với sức khỏe người tiêu dùng
- Giảm thiểu các cuộc kiểm tra chất lượng sản phẩm khi có giấy chứng nhận VietGAP
- Hạn chế các sự cố phát sinh do thực phẩm bẩn, kém chất lượng, tiết kiệm thời gian và chi phí
- Là cơ sở thuận lợi để sản phẩm dễ dàng lưu thông trên thị trường trong nước và quốc tế
- Góp phần xây dựng thương hiệu với tư cách cách là một đơn vị uy tín và có trách nhiệm với khách hàng, môi trường và xã hội
- Chiếm được lòng tin của người tiêu dùng và các đối tác
- Nâng cao khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm thực phẩm
CÁC TIÊU CHÍ CỦA CHỨNG NHẬN VIETGAP
Để được chứng nhận VietGAP thì doanh nghiệp cần đảm bảo 4 tiêu chí sau đây:
- Tiêu chí kỹ thuật sản xuất: Đơn vị phải đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật sản xuất liên quan đến phương thức canh tác, thu hoạch, chế biến và đảm bảo tiêu chuẩn khi lựa chọn hạt giống, con giống, nguồn nước, đất đai, phân bón
- Tiêu chí an toàn thực phẩm: Đơn vị phải đảm bảo an toàn vệ sinh trong toàn bộ quy trình canh tác, sản xuất, không sử dụng các chất bảo quản, dư lượng kháng sinh, thuốc trừ sâu độc hại, không để thực phẩm bị ô nhiễm
- Tiêu chí môi trường làm việc: Đơn vị phải cung cấp đầy đủ các điều kiện cơ bản để bảo vệ sức khỏe cho người lao động
- Tiêu chí nguồn gốc sản phẩm: Sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng phải có nguồn gốc rõ ràng, có thể kiểm tra xuất xứ và đảm bảo chất lượng
QUY TRÌNH CHỨNG NHẬN VIETGAP
Bước 1: Khảo sát thực trạng tại cơ sở
Xem xét phương pháp canh tác, thói quen sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực phẩm,… mà doanh nghiệp đang áp dụng. So sánh thực trạng với các yêu cầu của tiêu chuẩn VietGAP để đánh giá xem doanh nghiệp đã đạt được gì và chưa đạt được gì
Bước 2: Lập kế hoạch triển khai tiêu chuẩn VietGAP
Doanh nghiệp mở các lớp đào tạo tiêu chuẩn VietGAP cho toàn bộ nhân viên. Ban lãnh đạo cùng các chuyên gia tư vấn lập kế hoạch triển khai tiêu chuẩn VietGAP vào hệ thống, trong đó nêu rõ trách nhiệm của từng cá nhân, bộ phận và thời gian hoàn thành công việc được giao
Bước 3: Vận hành hệ thống theo tiêu chuẩn VietGAP
Ban hành, phổ biến chính sách, tài liệu hướng dẫn cho nhân viên. Phân công công việc theo đúng kế hoạch đã đề ra, có cơ chế kiểm tra, giám sát để đảm bảo các quy trình được vận hành theo đúng quy định.
Bước 4: Đánh giá nội bộ
Sau một thời gian vận hành hệ thống theo tiêu chuẩn VietGAP, doanh nghiệp cần đánh giá mức độ tuân thủ của hệ thống. Tại những điểm chưa phù hợp cần tìm ra nguyên nhân để có giải pháp khắc phục và cải tiến hệ thống.
Bước 5: Đăng ký chứng nhận VietGAP
Nếu doanh nghiệp thấy kết quả đánh giá nội bộ của mình tuân thủ hầu hết các yêu cầu của tiêu chuẩn VietGAP thì có thể gửi đơn đăng ký chứng nhận VietGAP (gồm các thông tin: tên doanh nghiệp, địa chỉ, tên sản phẩm) và hồ sơ đăng ký cho tổ chức được cấp phép. Hồ sơ đăng ký bao gồm:
- Sơ đồ khu vực sản xuất
- Kết quả kiểm tra nội bộ
- Các công đoạn sản xuất, chế biến sản phẩm
- Giấy chứng nhận tập huấn kỹ thuật cho người lao động
- Các giấy tờ liên quan khác
Bước 6: Tổ chức chứng nhận VietGAP tiến hành đánh giá cơ sở
Sau khi tiếp nhận đơn đăng ký và hồ sơ của doanh nghiệp, tổ chức được cấp phép sẽ cử chuyên gia xuống đánh giá thực tế cơ sở sản xuất.
Bước 7: Cấp giấy chứng nhận VietGAP
Nếu hồ sơ và thực tế sản xuất tại doanh nghiệp tuân thủ đầy đủ các tiêu chí của tiêu chuẩn VietGAP thì doanh nghiệp sẽ được cấp chứng chỉ VietGAP. Chứng chỉ VietGAP có thời hạn 3 năm kể từ ngày cấp. Trong thời gian chứng chỉ có hiệu lực, doanh nghiệp phải thực hiện đánh giá giám sát định kỳ 1 năm/lần. Sau thời gian 3 năm doanh nghiệp sẽ phải đăng ký chứng nhận lại.
5 HÌNH THỨC ĐÁNH GIÁ CỦA TỔ CHỨC CHỨNG NHẬN VIETGAP VỚI CƠ SỞ SẢN XUẤT
Tổ chức chứng nhận VietGAP có thể thực hiện 5 hình thức đánh giá khác nhau với đơn vị sản xuất, tùy thuộc vào tình hình cụ thể.
- Đánh giá lần đầu: Được thực hiện sau khi cơ sở sản xuất ký hợp đồng chứng nhận VietGAP.
- Đánh giá hành động khắc phục: Được thực hiện sau khi cơ sở sản xuất được đánh giá nhưng chưa đủ điều kiện để cấp hoặc duy trì hoặc mở rộng Giấy chứng nhận VietGAP.
- Đánh giá lại: Được thực hiện khi cơ sở sản xuất yêu cầu cấp lại Giấy chứng nhận VietGAP đã hết hiệu lực.
- Đánh giá giám sát: được thực hiện sau khi được cấp Giấy chứng nhận VietGAP. Đánh giá giám sát có thể thực hiện định kỳ (báo trước) hoặc đột xuất (không báo trước); số lần đánh giá giám sát do tổ chức chứng nhận quyết định tuỳ trường hợp cụ thể nhằm đảm bảo việc duy trì VietGAP của cơ sở sản xuất.
- Đánh giá đột xuất: Được thực hiện trong các trường hợp: Khi có khiếu nại về việc cơ sở sản xuất không tuân thủ VietGAP; Khi phát hiện sản phẩm được chứng nhận sản xuất theo VietGAP không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm; Khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước.
Hy vọng với những kiến thức mà thuvientieuchuan.org chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn có thể hiểu hơn về tiêu chuẩn Vietgap