Thức ăn là một trong những nhu cầu cơ bản trong tháp phân cấp nhu cầu của con người. Nó thuộc nhóm nhu cầu về thể chất và sinh lý được ưu tiên hàng đầu để duy trì sự sống. Tuy nhiên hiện nay, nhu cầu này đang bị đe dọa bởi các nguy cơ tới từ “thực phẩm bẩn”. Nhằm giải quyết vấn đề này, các nhà sản xuất, nhà bán lẻ, nhà cung cấp sản phẩm nông nghiệp, các tổ chức dịch vụ, tổ chức chứng nhận, công ty tư vấn, các trường đại học và hiệp hội của họ đã cùng nhau xây dựng nên bộ tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu với tên gọi GLOBAL GAP. Không chỉ hướng tới mục tiêu phát triển bền vững cho chuỗi cung ứng nông nghiệp toàn cầu, chứng nhận GLOBAL GAP còn là tấm vé thông hành thiết thực cho mỗi nhà sản xuất và kinh doanh các mặt hàng nông sản và thủy sản chiếm lĩnh thị trường quốc tế.
Mục lục
GLOBAL GAP LÀ GÌ ?
Tiêu chuẩn GLOBAL GAP là thực hành nông nghiệp tốt trên phạm vi toàn cầu. Đây là tên gọi của một bộ tiêu chuẩn bao gồm các tiêu chí và khuyến nghị áp dụng tự nguyện trong sản xuất, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch cho các sản phẩm nông nghiệp (bao gồm cả trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản) ở mọi nơi trên thế giới
QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH TIÊU CHUẨN GLOBAL GAP
Ngành công nghiệp sớm nở rộ ở Châu Âu giúp cho đời sống vật chất và tinh thần của người dân nơi đây được cải thiện sớm hơn so với các khu vực khác. Đi cùng với đó là những đòi hỏi sở hữu các điều kiện sống tốt hơn, trong đó phải kể tới yêu cầu của người tiêu dùng về việc được cung cấp, sử dụng thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh. Nhận thức được mong muốn thiết yếu này của thị trường, nhóm Các nhà buôn bán lẻ hay nhóm các siêu thị tại Châu ÂU (REP) đã đề xuất sáng kiến thiết lập một bộ tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt nhằm thu hút sự tin tưởng của khách hàng vào các sản phẩm của doanh nghiệp mình.
Năm 1997, Bộ tiêu chuẩn EUREPGAP chính thức có mặt tại châu Âu. Cái tên EUREPGAP được ghép lại từ EU (Euro – Liên minh Châu ÂU) + REP (Retailer Produce Working Group – Nhóm những người buôn bán lẻ) + GAP (Good Agriculture Practice – Thực hành nông nghiệp tốt). Cái tên phản ánh bộ tiêu chuẩn này là tập hợp những biện pháp kỹ thuật nông nghiệp tốt của các nhà buôn bán lẻ ở Châu Âu.
Không tốn quá nhiều thời gian, EUREPGAP được áp dụng tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác. Tới 7/9/2007, khi mà phạm vi ảnh hưởng của EUREPGAP không còn chỉ gói gọn ở Châu Âu mà đã lan rộng ra toàn cầu, tại Hội nghị toàn cầu lần thứ 8 diện ra ở Bangkok (Thái Lan), EUREPGAP đã đổi tên thành GLOBAL GAP với ý nghĩa tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt áp dụng cho mọi nước, mọi nơi trên thế giới. Có thể hiểu EUREPGAP khi được nhiều châu lục áp dụng thì trở thành GLOBAL GAP.
LỢI ÍCH CỦA CHỨNG NHẬN GLOBAL GAP CHO DOANH NGHIỆP
- Gia tăng giá trị sản phẩm của doanh nghiệp (Cụ thể, sản phẩm đạt chứng nhận GLOBAL GAP cho lợi nhuận cao hơn sản phẩm thông thường cùng loại).
- Phạm vi tiếp cận của doanh nghiệp về khách hàng, thị trường, nhà cung ứng, nhà bán lẻ được mở rộng cả ở trong và ngoài nước.
- Hạn chế được những rủi ro liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm khi đưa sản phẩm vào thị trường.
- Có quyền truy cập miễn phí vào cơ sở dữ liệu và các công cụ của GLOBAL GAP.
- Cải thiện và nâng cao hiệu quả cho quy trình và hoạt động quản lý nông trại.
- Doanh nghiệp có cơ hội được giới thiệu tại các hội chợ thương mại, hội nghị, hội thảo, triển lãm thương mại và sự kiện trong ngành.
- Được phép thêm biểu tượng GLOBAL GAP vào tất cả các ấn phẩm, tài liệu quảng cáo thương hiệu.
- Được sử dụng con dấu thành viên GLOBAL GAP để chứng minh tư cách thành viên.
- Được cấp mã số GLOBAL GAP (GGN) gồm 13 chữ số giúp dễ dàng xác định và truy xuất nguồn gốc ở cấp độ giữa các doanh nghiệp với nhau (B2B).
NỘI DUNG CỦA BỘ TIÊU CHÍ GLOBAL GAP
Về cơ bản, các tiêu chí của GLOBAL GAP khớp với các nội dung mà EUREPGAP đã đề xuất trước đây. Vì vậy, những sản phẩm đã được cấp chứng nhận EUREPGAP thì rất dễ buôn bán ở mọi quốc gia trên thế giới. Cũng có nghĩa là các sản phẩm nông nghiệp nếu lưu hành được tại các nước Châu Âu thì sẽ dễ gia nhập được vào các thị trường khác trên thế giới như châu Á, châu Đại Dương, châu Mỹ La Tinh, châu Phi.
Tuy nhiên cũng có một số ngoại lệ trong việc đối chiếu quy chuẩn từ EUREPGAP sang GLOBAL GAP. Cụ thể, tại Mỹ và Nhật Bản có quy định nghiêm ngặt hơn về dư lượng thuốc hóa học trong sản phẩm so với tiêu chí trong EUREPGAP. Hay đặc điểm tôn giáo, tập quán, thói quen của một số tập người và quốc gia có thể không phù hợp tới tiêu chuẩn của bộ tiêu chí. Nhưng cũng cần khẳng định sự khác biệt này chỉ là thứ yếu nên ảnh hưởng cũng không đáng kể.
GLOBAL GAP có tất cả 252 đề mục, trong đó bao gồm:
- 36 tiêu chí bắt buộc doanh nghiệp phải tuân thủ 100%
- 127 tiêu chí chỉ cần tuân thủ tới mức 95% cũng được chấp nhận
- 89 khuyến nghị, khuyến cáo nên thực hành
GLOBAL GAP cấp chứng nhận cho toàn bộ quá trình sản xuất nông nghiệp từ đầu vào tới đầu ra của sản phẩm. Một số nội dung chính của Bộ tiêu chuẩn GLOBAL GAP gồm:
- Sản phẩm đem bán và lưu hành trên thị trường phải đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Tất cả sản phẩm phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và có thể truy xét nguồn gốc khi cần thiết.
- Nhà sản xuất, nhà vận chuyển, nhà phân phối đều có liên đới trách nhiệm với sản phẩm của họ trước tất cả các khách hàng trong và ngoài nước.
- Thực hiện kiểm tra định kỳ theo yêu cầu của từng loại sản phẩm.
- Đảm bảo an toàn, sức khỏe và phúc lợi cho người lao động.
- Sản xuất đi kèm với đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường.
Về phạm vi áp dụng, cho tới nay, GLOBAL GAP đã thiết lập được các tiêu chuẩn cho nhiều loại mặt hàng như: rau và trái cây, cây trồng xen, hoa và cây cảnh, cà phê, chè, thịt lợn, gia cầm, gia súc và cừu, bơ sữa và thủy sản (cá hồi). Tiêu chí về những sản phẩm khác (như lúa gạo) đang được tiếp tục nghiên cứu và hứa hẹn sẽ sớm hoàn thiện trong tương lai.
ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG TIÊU CHUẨN GLOBAL GAP
- Các doanh nghiệp trồng trọt và phân phối các sản phẩm trồng trọt
- Các doanh nghiệp chăn nuôi và cung cấp các sản phẩm chăn nuôi
- Các công ty kinh doanh và nuôi trồng thủy hải sản
QUY TRÌNH CHỨNG NHẬN GLOBAL GAP
1) Tải các tài liệu tiêu chuẩn GLOBAL GAP từ website chính thức globalgap.org
2) Xem xét các đề nghị từ các tổ chức chứng nhận ở quốc gia của bạn, đăng ký với cơ quan bạn chọn và lấy mã số GLOBAL GAP được cấp.
3) Thực hiện tự đánh giá và khắc phục tất cả những điểm không đạt yêu cầu của bộ tiêu chí.
4) Chuyên gia của cơ quan chứng nhận được GLOBAL GAP công nhận mà bạn đã lựa chọn sẽ tới cơ sở để thanh tra, đánh giá thực tế.
5) Nếu doanh nghiệp đáp ứng đủ yêu cầu thì sẽ được cấp giấy chứng nhận GLOBAL GAP. Giấy chứng nhận này có giá trị trong vòng 1 năm kể từ ngày có quyết định chứng nhận. Sau thời gian 1 năm, doanh nghiệp sẽ phải tái đăng ký chứng nhận.
>>>> So sánh VietG.A.P và GlobalG.A.P